Mô hình sản xuất, kinh doanh tập trung giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhưng cũng bộc lộ hạn chế khi nhiều nơi phải phong tỏa bởi dịch Covid-19. Đã đến lúc, doanh nghiệp phải tính đến chuyển hướng sang sản xuất, kinh doanh phi tập trung để duy trì chuỗi cung ứng của mình.
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã gây nên gián đoạn, xáo trộn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng, khi hàng loạt cấu phần trong chuỗi cung ứng như vùng nguyên liệu, nhà máy sản xuất, đơn vị vận chuyển… gặp khó khăn trong hoạt động.
Nhiều địa phương xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ, nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, hoặc không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”, buộc phải đóng cửa, dẫn đến nhiều đối tác nước ngoài buộc phải hủy đơn hàng hoặc tìm nhà cung ứng mới.
Trao đổi trong Hội thảo “Bức tranh chuyển đổi số sau đại dịch”, chiều 15/9, ông Lương Hoàng Hưng – Phó Chủ tịch Liên Hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam, cho biết đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây gián đoạn nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng, tuy nhiên cũng giúp doanh nghiệp nhận ra việc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh từ tập trung sang phi tập trung. Bởi nếu tiếp tục duy trì mô hình kinh doanh tập trung, sự lây lan của đại dịch sẽ tiếp tục khiến các hoạt động tê liệt.
Ông Hưng cũng thông tin, một số doanh nghiệp phân phối đã bắt đầu chuyển đổi kho hàng từ tập trung sang phi tập trung, bằng cách phân tán hàng hóa ra các kho hàng, các đại lý ở các địa phương, để đảm bảo việc phân phối hàng hóa duy trì liên tục trong đại dịch. Điển hình một sàn giao dịch thương mại điện tử phi tập trung trong đại dịch vẫn đạt doanh số tương đương 80% so với trước đại dịch.
“Doanh nghiệp phải thay đổi tư duy sang hướng kinh doanh phi tập trung cũng như dự phòng trong quá trình chuyển đổi số phải thay đổi các phương pháp kinh doanh so với truyền thống để vượt qua đại dịch”, ông Hưng chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho hay, khi xác định sống chung với đại dịch, các doanh nghiệp phải có sự thay đổi về chiến lược đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, trong đó hướng đến phi tập trung.
Bởi nếu tập trung vào một nơi, như một khu công nghiệp lớn, khi dịch bệnh xảy ra buộc phải phong tỏa sẽ đứt gãy toàn bộ sản xuất. Thay vào đó nếu phân tán ra nhiều địa phương sẽ vẫn duy trì một phần sản xuất không bị đứt gãy.
“Trước đây các tập đoàn lớn chỉ muốn tập trung tại một chỗ để tiết kiệm nhưng khi xác định sống chung với Covid-19 lâu dài, phải chuyển đổi sang mô hình phân tán. Hiện nay, doanh nghiệp có thể ứng dụng chuyển đổi số để quản lý các kho hàng, các hoạt động từ xa dễ dàng, tiết kiệm và hiệu quả hơn”, ông Thắng cho biết.
Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh sắp tới, GS. Hà Tôn Vinh – Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổ Hợp Giáo Dục và Tư vấn Quốc Tế Stellar Management, cho biết với tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, đến hết 2021, nhiều doanh nghiệp có thể vẫn chưa thể khôi phục sản xuất. Do vậy, doanh nghiệp nên mạnh dạn loại bỏ những ngành nghề, lĩnh vực kém hiệu quả. Thay vào đó, có thể tính đến phương án liên kết với công ty, tổ chức khác để trở thành một nhóm cùng sản xuất.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Lê – Tổng Giám Đốc Công ty Tái cấu trúc chuyển đổi số Dr.SME, khi doanh nghiệp muốn tái cấu trúc cần nghĩ đến việc kinh doanh nền tảng, kể cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ. Doanh nghiệp có thể tạo ra nền tảng của mình hoặc tham gia nền tảng kinh doanh. Việc này đối với doanh nghiệp hiện nay có thể nói là khá thuận lợi, bởi trên thế giới hay tại Việt Nam sẵn có nhiều nền tảng kinh doanh phát triển.
“Ví dụ như các doanh nghiệp xuất khẩu, trước đây tìm cách bán sản phẩm cho các đối tác nước ngoài, nhưng hiện nay có thể trực tiếp bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon hay Alibaba…”, ông Lê nói.