‘Muốn phát triển, doanh nghiệp phải chuyển đổi số ngay từ hôm nay’

Đó là nhận định của ông Lương Hoàng Hưng – Phó Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam. Chuyển đổi số là cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế nhiều thăng trầm này.

Chiều ngày 5/10, toạ đàm “Go Online làn sóng kinh tế 2.0” thuộc chuỗi workshop “Doanh nghiệp trong xu hướng chuyển đổi số” đã được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

“Toạ đàm Go Online làn sóng kinh tế 2.0” diễn ra với 2 phiên, nội dung liên quan đến cục diện kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”.

Theo các chuyên gia, bây giờ là thời điểm vàng cho việc tái cấu trúc, chuyển đổi số bởi các doanh nghiệp trong giai đoạn này đã thay đổi về cách vận hành, quản trị rủi ro, sắp xếp nguồn nhân lực, kiểm soát dòng tiền và cả học những bài học thay đổi trong tư duy kinh doanh. Hiện nay, không ít các doanh nghiệp đã thấy được tầm ảnh hưởng của công nghệ quản lý vân hành và kinh doanh từ xa.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Trình – Giám đốc kinh doanh  FPT Telecom International; ông Lê Quý Xuân – Growth Manager của Sapo và ông Lê Anh Bằng – Head of Product Haravan đã cùng trao đổi về “sự Chuyển dịch hoạt động lên Online của doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, ông Lương Hoàng Hưng – Phó Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam; Tổng biên tập Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo cũng chia sẻ góc nhìn về vấn đề này.

Ông cho rằng dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp, ngành nghề. Tuy nhiên, một số ngành nghề kinh doanh online vẫn có thể hoạt động.

Đây là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp, chỉ còn cách phải chuyển đổi số ngay từ hôm nay, chuyển từ truyền thống sang số hóa, để chúng ta bắt kịp, thay đổi những hoạt động kinh doanh. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp khai phá những hoạt động mới, quan trọng nhất là áp dụng công nghệ nhanh chóng để khôi phục, vận hành doanh nghiệp trơn tru hơn”, ông Hưng nói.

Cũng theo ông Hưng, qua những chia sẻ của các chuyên gia có thể nhận thấy rằng, dưới 50% các doanh nghiệp trong trạng thái sẵn sàng chuyển hình thức kinh doanh, số còn lại bị động hơn và bế tắc, dẫn đến hoạt động cầm chừng, hạn chế.

Làm sao giúp doanh nghiệp này tiếp cận, thay đổi tư duy chuyển đổi số? Đây là bài toán mà chúng ta cần có các giải pháp để giúp cho doanh nghiệp đang bế tắc”, ông Hưng nói.

Trong khi đó, giải thích về làn sóng internet 2.0, Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chia sẻ, internet bước vào Việt Nam năm 1997, nhưng lúc đó chỉ được sử dụng chủ yếu trong các trường đại học. Trải qua hơn 20 năm, hình thái kinh tế, xã hội Việt Nam đã dần thay đổi.

Đặc biệt thấy rõ nhất trong giai đoạn dịch Covid-19, khi tất cả mọi người, mọi thành phần, lứa tuổi đều bắt đầu ứng dụng internet vào nhiều hoạt động như mua hàng, bán hàng, đăng ký thành lập doanh nghiệp, mở tài khoản ngân hàng,…

Tôi cho rằng internet 1.0 đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Hiện chúng ta đang bước vào thời kỳ internet 2.0 và đang ở trong xu thế không bị thế giới bỏ lại. Chúng ta thông qua các sản phẩm của internet 2.0 để hoạt động một cách dễ dàng, điển hình thương mại điện tử là cứu cánh cho các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua và cả sắp tới”, ông Dũng nhấn mạnh.

Được biết, chuyên đề tiếp theo của chuỗi workshop “Doanh nghiệp trong xu thế chuyển đổi số” được mang tên: “Số hoá hoạt động doanh nghiệp” dự kiến sẽ được diễn ra trong 2 tuần nữa.

Nguồn: https://golfviet.vn/muon-phat-trien-doanh-nghiep-phai-chuyen-doi-so-ngay-tu-hom-nay-d6402.html

Tin tức liên quan

Tin tức liên quan

Scroll to Top