Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có tác động đến hầu hết các lĩnh vực, các công nghệ hiện đại và kỹ thuật tiên tiến được ứng dụng trong mọi mặt của cuộc sống.
Cùng với xu hướng của thế giới metaverse, tài sản số đang ngày một phát triển mạnh mẽ bên cạnh các tài sản truyền thống trước đây. Khi tất cả các đơn vị ngành nghề đều tham gia và tăng tốc trên đường đua số hóa, thì bài toán đặt ra ở đây là: Làm cách nào để các doanh nghiệp hoàn thành lộ trình đó một cách nhanh nhất, đúng theo quy định của pháp luật và xác lập được cho mình các giá trị bền vững trong tương lai.
Ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch Trung tâm Quản lý Tài sản Số (TSS) cho biết, xuất phát từ mong muốn thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia cũng như mong muốn của Chính phủ về số hoá, chuyển đổi số trong doanh nghiệp để quản lý nhà nước xây dựng một nền kinh tế số nên chúng tôi đã thúc đẩy để TSS đã ra đời.
“TSS với tầm nhìn là cánh chim đầu đàn thúc đẩy chuyển đổi số Việt Nam, giúp nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, thúc đẩy đất nước chúng ta phát triển nhanh trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0”, Chủ tịch TSS phát biểu
Trung tâm quản lý tài sản số đầu tiên của Việt Nam
Trung Tâm Quản Lý Tài sản Số – Digital Asset Management Center (TSS) ra đời giữ vai trò lớn, là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân để làm nhiệm vụ thúc đẩy, tổ chức các hoạt động số hóa, quản lý tài sản số trong các hoạt động kinh tế theo định hướng KINH TẾ SỐ của Chính phủ, nhằm phát triển nền kinh tế tri thức tại VN. TSS trực thuộc Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, có uy tín trong lĩnh vực này như: Ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Hồng Cơ Group, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam; Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội TMĐT VECOM; Ông Lương Hoàng Hưng – Phó Chủ tịch Liên Hiệp Khoa Học Doanh Nhân Việt Nam, Tổng Biên Tập báo Sở Hữu Trí Tuệ & Sáng Tạo; Ông Trương Gia Bảo – Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số DTS, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam; …
Với các lĩnh vực hoạt động: Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong lĩnh vực tài sản số – Dịch vụ khoa học và công nghệ về số hóa tài sản và quản lý tài sản số (hỗ trợ thông tin, tư vấn, ứng dụng các giải pháp, chuyển giao – giám sát, tổ chức tập huấn) – Kết nối hợp tác trong và ngoài nước.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiến nhanh trên đường đua số hóa
Theo ông Lương Hoàng Hưng – Phó Chủ tịch Liên Hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam, “Đất nước đang từng bước thay đổi và tiếp cận những công nghệ thông minh của thế giới, trên nền tảng đó để phát triển kinh tế tri thức. Các công ty lớn trên thế giới đều là những công ty công nghệ dựa trên nền tảng kinh tế tri thức để phát triển định hướng kinh doanh, đưa cuộc sống con người lên tầm cao.”
“Ở Việt Nam chính phủ cũng rất quyết liệt trong việc chuyển đổi số, đưa việc điều hành chính phủ tiếp cận với công nghệ cao để trở thành chính phủ số. Nhà nước đang dần hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng số; Phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; Phát triển dữ liệu số quốc gia; Phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia”.
Với những giá trị cốt lõi: Minh bạch, tin cậy và sáng tạo của mình, TSS sẽ hỗ trợ quốc gia về chuyển đổi số trong Fintech – Blockchain. TSS sẽ là đơn vị hỗ trợ cho doanh nghiệp toàn quốc thực hiện được mục tiêu chuyển đổi số, số hoá tài sản, tạo tiền đề và bước ngoặc cho doanh nghiệp hoà nhập với xu thế lớn của toàn cầu hiện nay.
Bên cạnh đó TSS còn hỗ trợ công nghệ, giải pháp, nền tảng cho quản lý tài nguyên số, tài nguyên mã hóa trong thời kỳ chuyển đổi số Fintech.
Với một lĩnh vực còn khá mới mẽ và giàu tiềm năng như thế này, việc có một Trung tâm quản lý tài sản số được thành lập giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp Việt Nam trên tất cả các ngành nghề dễ dàng và nhanh chóng hơn trong việc chuyển đổi số, tránh được những tổn thất và sai lầm không đáng có.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam bứt phá phát triển kinh tế – xã hội, vượt bẫy thu nhập trung bình, đứng vào hàng các nước phát triển vào năm 2045. Và TSS dự kiến sẽ là viên gạch không thể thiếu trong cuộc cách mạng này.
Đạt Phan